Khi dân nghiện Cafe tập pha chế đồ uống tại nhà

26 Tháng Bảy, 2021

Khi dân nghiện Cafe tập pha chế đồ uống tại nhà

Khi dân nghiện Cafe tập pha chế đồ uống tại nhà do không thể đến quán cà phê để thưởng thức loại đồ uống yêu thích, nhiều người đã bắt đầu tập pha chế tại nhà trong những ngày giãn cách.

Thưởng thức một ly cà phê để bắt đầu ngày mới là thói quen của nhiều người. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đa số quán cà phê phải đóng cửa. Mùa giãn cách, nhiều tín đồ cà phê có thêm thời gian tìm tòi để thỏa mãn ước mơ làm barista “nghiệp dư”, tự tay pha chế các loại đồ uống yêu thích của mình tại nhà.

Không thể thiếu cà phê khi làm việc

Do tính chất công việc thường xuyên thức khuya dậy sớm, chị Suesan Nguyễn (Phú Nhuận, TP.HCM) thường uống cà phê để tập trung. “Trước đây, tôi không phải là người nghiện cà phê, nhưng do công việc nên phải tìm đến loại đồ uống này để tỉnh táo”, chị chia sẻ. Ngoài công việc chính, chị cũng là một food stylist nên thường la cà tại các quán cà phê để thưởng thức.

Khi thành phố yêu cầu đóng cửa các quán cà phê, chị đã quyết định đầu tư một góc “chill” trong nhà để bù lại không gian quán cà phê bị mất. “Tôi chi khoảng 20 triệu đồng để sắm 10 loại máy và dụng cụ pha chế nhằm trải nghiệm tại nhà”, chị nói.

Mỗi sáng, chị Suesan chỉ tốn khoảng 3 phút để pha một ly cà phê. Hiện chị cũng đang cải tạo lại ban công của gia đình, trồng thêm nhiều cây xanh để tận dụng làm không gian thưởng thức cà phê.

Khá khó tính trong việc lựa chọn đồ uống, Hoàng Trung Nam (quận 7, TP.HCM) chỉ trung thành với món vanilla sweet cream cold brew của Starbucks vào mỗi sáng. “Đợt dịch, quán quen của tôi đóng cửa. Tôi đã thử một vài địa chỉ khác tuy nhiên không ưng”, anh Nam nói.

Trong những ngày đầu, anh mua thêm vài cốc để trữ tại nhà. Tuy nhiên, do thời gian giãn cách tiếp tục kéo dài, cold brew hết nên anh quyết định tập pha tại nhà. “Đồ uống của tôi không yêu cầu quá nhiều dụng cụ. Tôi thường dùng các loại bình và túi lọc có sẵn tại nhà”, anh tiết lộ.

Được truyền tình yêu với cà phê từ người chồng của mình, chị Lê Trâm (Nhà Bè, TP.HCM) đã dần hình thành thói quen pha chế đồ uống tại nhà với nhiều phương pháp khác nhau. Là một tín đồ của loại đồ uống này, chị đầu tư nhiều bộ dụng cụ khác nhau như V60, bình French press, máy pha cà phê espresso, máy xay, ấm rót, cân điện tử…

Một trải nghiệm mới

Đã từng đi nhiều quán cà phê tại TP.HCM, Suesan Nguyễn thừa nhận góc “chill” tại nhà đủ để chị có thêm một không gian thưởng thức đồ uống trong những ngày giãn cách. “Tôi xay cà phê hàng ngày. Mỗi lần làm, hương cà phê bao trùm cả căn phòng. Cảm giác như bước vào quán cà phê vậy”, chị Suesan Nguyễn kể.

Không chỉ hài lòng với không gian tại nhà, việc bắt đầu tập pha chế đồ uống cũng giúp chị khám phá thêm nhiều hương vị cà phê độc đáo.

“Pha đồ uống tại nhà, tôi có thể kết hợp cà phê với nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo ra các món mới mà ngoài quán không có”, chị Suesan Nguyễn chia sẻ. Với nguyên liệu có sẵn, chị thường kết hợp để cho ra những thức uống mang hương vị “nhà làm”.

Cà phê kết hợp hương thảo, mật ong hay cà phê thưởng thức cùng lá bạc hà là một số loại đồ uống chị sáng tạo ra. “Tôi thường lên mạng tìm hiểu các công thức khác nhau và làm thử. Có món ngon thì phấn khởi thưởng thức, còn làm không thành thì lại cố uống”.

Giải pháp tiết kiệm nhưng vẫn muốn được ngồi cà phê tại quán

Không thể đến quán để thưởng thức, những tín đồ cà phê coi đây là cơ hội thích nghi thói quen mới và tiết kiệm tiền.

“Mỗi tháng, tôi tốn trung bình 1,8 triệu đồng cho tiền cà phê tại quán. Nhưng pha đồ uống tại nhà, tôi chỉ mất khoảng 900.000 đồng/tháng”, chị Suesan Nguyễn cho hay. Đó cũng là chia sẻ của chị Đặng Lan khi tập pha latte tại nhà.

Đối với Hoàng Trung Nam, với một túi cà phê khoảng 240.000 đồng, anh có thể pha được 10 cốc vanilla sweet cream cold brew. Nếu mua tại quán quen, anh phải chi 65.000-95.000 đồng/cốc.

Ra đời trong những ngày giãn cách, thói quen này giúp tiết kiệm hơn nhưng các tín đồ cà phê đều mong TP.HCM nhanh chóng trở lại bình thường. Khi đó, họ lại có thể ra quán để thưởng thức loại đồ uống yêu thích.

“Hết dịch, tôi vẫn sẽ tìm đến các quán cà phê mới, thưởng thức và trải nghiệm”, chị Lê Trâm cho hay.